Vị trí trên poster đã trở thành một thước đo mềm quan trọng để xác định danh xưng sao hạng A trong ngành giải trí Việt Nam. Trong một thị trường giải trí nơi cảm tính vẫn đóng vai trò quan trọng, việc xác định ai là sao hạng A luôn là chủ đề bàn luận nóng trên mạng xã hội. Từ việc ai có độ phủ sóng cao, ai sở hữu loạt hit, đến ai có lượng fan đông và cát xê cao, mỗi người đều có tiêu chí riêng để đánh giá.

Mới đây, một góc nhìn được đưa ra: ‘Muốn biết ai là hạng A, cứ nhìn họ đứng ở đâu trên poster’. Câu nói này, nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng thực sự phản ánh bản chất của ngành giải trí, nơi vị trí không bao giờ là ngẫu nhiên mà là kết quả của cả một chuỗi định vị về sức ảnh hưởng, độ nóng truyền thông, và các quy tắc ngầm của showbiz.
Sự nhạy cảm của vị trí trên poster đã được chứng minh qua nhiều trường hợp thực tế. Gần đây, việc sắp xếp hình ảnh giữa HIEUTHUHAI và SOOBIN trong một sự kiện âm nhạc đã gây tranh cãi. Khi cả hai ngôi sao đều đang ở thời điểm phủ sóng mạnh, việc ai được đặt ở giữa, ai bị lệch sang bên đã trở thành điểm gây tranh cãi. Fan của mỗi bên đều có lý do để bảo vệ thần tượng, và công chúng thì chia rẽ trong việc đánh giá ai mới là cái tên xứng đáng được ưu tiên.

Chuyện vị trí trên poster trở thành tâm điểm không phải là điều quá mới mẻ trong showbiz Việt. Trước đây, từng có trường hợp Sơn Tùng M-TP và đàn chị Mỹ Tâm gây chú ý khi cùng xuất hiện trong một sự kiện âm nhạc. Hình ảnh nam ca sĩ trẻ được đặt nổi bật hơn trong khi đàn chị lại bị xếp ở vị trí ít nổi bật hơn. Dù phía nghệ sĩ không lên tiếng, nhưng việc Mỹ Tâm sau đó rút khỏi chương trình đã khiến dư luận đặt nghi vấn rằng mọi chuyện bắt nguồn từ cảm giác ‘lệch vai’ ngay trên tấm poster.
Vào tháng 9/2023, BTC của một sự kiện vấp phải những tranh cãi khi sắp xếp hình ảnh Jack ngang hàng với những ngôi sao kỳ cựu như Đan Trường, Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà. Thậm chí trong poster, hình ảnh Jack còn xếp gần vị trí trung tâm hơn những nghệ sĩ có thâm niên, trong khi đó hình ảnh ca sĩ Ngọc Ánh, Thanh Duy, Thuỳ Chi được xếp ngoài rìa poster.
Những hình ảnh trên poster tạo nên các cuộc tranh cãi không chỉ là về vị trí mà còn chạm tới định nghĩa ‘đẳng cấp nghề nghiệp’ trong làng nhạc Việt. Dễ thấy dù ở thời điểm nào, nhiều người vẫn có xu hướng nhìn vào một chi tiết rất cụ thể – ai được đặt ở giữa, ai xuất hiện to hơn – để suy đoán ai đang hot, ai được xem là sao hạng A.
Tuy nhiên, khái niệm ‘hạng A’ ở mỗi người là khác nhau. Người thì nhìn vào thành tích, người thì xét mức độ viral, người lại quan tâm đến chiều sâu nghề nghiệp. Mà khi tiêu chí không đồng nhất, thì vị trí ai đứng ở đâu – dù chỉ là trên một tấm hình – cũng dễ dàng trở thành điểm chạm của mâu thuẫn.
Trên thực tế, cách sắp xếp vị trí nghệ sĩ trên poster không bao giờ là ngẫu nhiên – mà phần lớn phụ thuộc vào cách nhà sản xuất hoặc ban tổ chức định vị vai trò của từng người trong tổng thể sự kiện. Có chương trình lựa chọn phương án an toàn: xếp các nghệ sĩ theo chiều ngang, cùng kích thước, không ai nổi bật hơn ai – một chiến lược nhằm tránh mất lòng bất kỳ ekip nào. Nhưng cũng có những show chọn cách thể hiện rõ ràng: ai hot, ai đang dẫn đầu truyền thông thì người đó sẽ được đẩy lên giữa, phóng to hình, hoặc đặt cao hơn.
Thậm chí, ở một số trường hợp, chính sự tranh cãi ấy lại là một phần nằm trong tính toán truyền thông của ekip sản xuất. Khi công chúng đã mặc định rằng poster là ‘tấm bản đồ quyền lực’, thì bất kỳ sự sắp đặt nào trên đó cũng có khả năng tạo dư luận.
Sở dĩ mỗi tấm poster lại trở thành tâm điểm tranh cãi cho câu hỏi muôn thuở ‘ai là sao hạng A ở Việt Nam’ bắt nguồn từ một thực tế đơn giản: làng giải trí Việt vẫn chưa có một hệ thống đo lường vị thế nghệ sĩ một cách bài bản, nhất quán và đáng tin cậy. Không có bảng xếp hạng chính thức, không có tổ chức độc lập nào đứng ra phân loại minh bạch theo tiêu chí cụ thể.
Chuyên gia truyền thông giải trí Hồng Quang Minh nhận định: ‘Đúng là ở Việt Nam hiện vẫn thiếu một hệ thống đánh giá chuyên nghiệp, minh bạch và mang tính định lượng cao như Billboard, Forbes hay hệ thống chỉ số truyền thông của Hàn Quốc. Các bảng xếp hạng hiện nay chủ yếu đến từ nền tảng tư nhân, đơn vị truyền thông hoặc platform mạng xã hội, trong đó chỉ số thường nghiêng về lượt đề cập, tương tác, hoặc ‘buzz score’ hơn là chất lượng ảnh hưởng. Điều này dễ dẫn đến sự ‘ảo hóa’ hoặc thiên lệch theo trend.
Dù vậy, các bảng xếp hạng vẫn mang giá trị tham khảo nhất định, đặc biệt là khi được tổng hợp từ nhiều nền tảng và có so sánh theo chuỗi thời gian, nhưng để phân loại chính xác sao hạng A thì vẫn cần thêm nhiều tầng đánh giá khác, trong đó có sự phân tích của những người trong nghề’.
Nói về việc phân loại sao hạng A tại Việt Nam sẽ cần một mô hình hay hệ thống đo lường đánh giá chuyên nghiệp và định kỳ, chuyên gia Hồng Quang Minh chia sẻ: ‘Tôi tin là điều này là bắt buộc nếu thị trường giải trí Việt muốn phát triển theo hướng công nghiệp hóa. Việc đánh giá phải dựa trên chỉ số truyền thông, số liệu streaming, số hợp đồng thương mại, uy tín ngành nghề và cảm nhận công chúng, tất cả đều cần số hoá và có tiêu chuẩn chung để so sánh, không chỉ dựa vào cảm tính. Một hệ thống định kỳ, công bố minh bạch, có thể tạo ra động lực cạnh tranh lành mạnh và giúp các nghệ sĩ có định hướng phát triển rõ ràng hơn’.