Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã ra tòa vào sáng ngày 16-7 để làm chứng trong phiên xử kín liên quan đến cáo buộc phỉ báng hoàng gia. Tòa án Hình sự Thái Lan đã ấn định ngày 22-8 sẽ tuyên án đối với ông Thaksin trong vụ án này, theo Điều 112 của Bộ luật Hình sự. Đây là giai đoạn then chốt trong một vụ kiện mang tính bước ngoặt với đế chế chính trị do gia tộc Shinawatra gây dựng.

Ông Thaksin, 75 tuổi, có thể đối mặt án tù lên đến 15 năm nếu bị kết tội khi quân (xúc phạm hoàng gia), một tội danh được luật Thái Lan quy định rất nghiêm để bảo vệ hoàng gia khỏi chỉ trích. Sáng 16-7, ông Thaksin ra tòa làm chứng. Luật sư Winyat Chatmontri cho biết ông sẽ tiếp tục điều trần trong cả ngày hôm nay.

Nhóm luật sư bào chữa cho biết đã hoàn tất phần trình bày nhân chứng sau khi ba người chủ chốt ra làm chứng: ông Wissanu Krea-ngam (cựu phó thủ tướng), ông Tongthong Chandransu (nguyên bí thư thường trực Văn phòng Thủ tướng) và chính ông Thaksin. Dù ban đầu dự kiến có 14 nhân chứng, đội ngũ bào chữa quyết định kết thúc sớm, cho rằng ba nhân chứng trên là đủ để bảo vệ quan điểm của thân chủ.

Vụ án bắt nguồn từ cuộc phỏng vấn ông Thaksin thực hiện với báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc hồi tháng 5-2015. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Thaksin được cho là đã đề cập đến các thành viên Hội đồng Cơ mật hoàng gia và cuộc đảo chính quân sự năm 2014 – sự kiện dẫn đến việc lật đổ chính phủ do em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, lãnh đạo.
Bên ngoài tòa án, khoảng 50 người ủng hộ mặc áo đỏ, màu biểu tượng của phong trào chính trị do ông dẫn dắt, đã tụ tập để cổ vũ cựu thủ tướng. Ông Thaksin trở về Thái Lan vào tháng 8-2023, kết thúc 15 năm sống lưu vong sau cuộc đảo chính năm 2006.
Liên minh cầm quyền do Đảng Pheu Thai dẫn dắt đang trong khủng hoảng nghiêm trọng sau khi Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra – con gái ông Thaksin – bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ để chờ điều tra về đạo đức. Giới phân tích cho rằng dù đã cố gắng hòa giải với các thế lực truyền thống, gia tộc Shinawatra vẫn khó thoát khỏi cái bóng quá khứ.