Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều sinh viên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp. Thay vì tiếp tục chạy theo những vị trí mơ hồ, một số bạn trẻ quyết định học tiếp như một cách để ‘trì hoãn’ thất nghiệp hoặc chuẩn bị cho ngã rẽ mới.

Có bạn đăng ký học văn bằng 2, thạc sĩ hoặc theo đuổi các chứng chỉ chuyên môn để chuyển hướng sang một ngành nghề khác. Cũng có người chọn học ngoại ngữ, ấp ủ ước mơ bước ra thế giới, tìm kiếm cơ hội ở chân trời mới.
Hồ Phan Nhật Khánh, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành văn học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Cô không vội lao ngay vào thị trường lao động mà dành thời gian để chiêm nghiệm về hướng đi tiếp theo. Những tháng ngày tìm việc sau tốt nghiệp rất khó khăn, dù đã chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng, tới phỏng vấn ở nhiều công ty với các vị trí liên quan đến biên tập, truyền thông nhưng cánh cửa phù hợp vẫn chưa mở ra với Khánh.

Cô quyết định đăng ký học thêm văn bằng 2 về nghiệp vụ sư phạm. Cô chia sẻ rằng ước mơ sau này sẽ trở thành một người truyền đạt kiến thức, giúp các học sinh cảm nhận vẻ đẹp của văn chương. Khánh dự định sau này khi tốt nghiệp văn bằng 2 sẽ về quê nhà Đồng Tháp để nối nghiệp mẹ, đứng trên bục giảng gieo vào lòng học sinh niềm yêu thích văn chương giống như mẹ mình đã làm.
Tương tự, Huỳnh Ngô Nhựt Tân, 22 tuổi, tân cử nhân ngành hóa lý của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, vừa tốt nghiệp với tấm bằng ĐH xếp loại giỏi và khóa luận tốt nghiệp đạt điểm xuất sắc. Tuy nhiên, Tân vẫn không cho phép mình hài lòng với hiện tại. Cậu thẳng thắn thừa nhận: ‘Chuyên môn của mình vẫn chưa thật sự vững vàng, nếu bước ngay vào thị trường lao động mình sợ không đủ tự tin để đảm nhận những công việc đòi hỏi chuyên sâu’.
Tân quyết định tiếp tục con đường học vấn, lựa chọn cao học để đào sâu thêm kiến thức. Anh hy vọng sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, cánh cửa việc làm sẽ rộng mở hơn để anh thực sự phát huy thế mạnh và đam mê của mình trong lĩnh vực hóa lý.

Ngoài ra, một số bạn trẻ khác đã chọn nối nghiệp công ty gia đình. Trịnh Đình Minh Tiến, 23 tuổi, tân cử nhân ngành quản trị Kinh doanh Trường ĐH Văn Lang, là một trong những sinh viên như vậy. Ba mẹ Tiến là chủ một xưởng điều lớn nhất nhì xã Phước Sơn. Tiến quyết định theo học ngành quản trị kinh doanh, một lựa chọn mang tính chiến lược cho con đường kế thừa sự nghiệp gia đình sau này.
Tiến trở về quê nhà bắt tay ngay vào việc tiếp quản xưởng điều, mang theo những kiến thức mới để cải tiến quy trình sản xuất, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu cho gia đình ngày một đi lên.
Các trường đại học cũng chú trọng đào tạo các kỹ năng bổ trợ cho sinh viên ngoài kiến thức chuyên môn. Đa phần doanh nghiệp đều muốn và sẵn sàng tuyển người phù hợp với họ. Sinh viên khó xin việc một phần là do yếu tố khách quan từ thị trường lao động, song cũng cần phải có sự chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.