Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021–2030 là một trong ba chương trình trọng điểm quốc gia, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước đối với khu vực còn nhiều khó khăn, thách thức nhất cả nước. Chương trình không chỉ nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác tiềm năng, phát huy nội lực vùng DTTS&MN – một mắt xích không thể thiếu trong chiến lược tăng trưởng nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số của nền kinh tế trong thời gian tới.

Sau gần 5 năm triển khai giai đoạn I (2021–2025), Chương trình đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề quan trọng để bứt phá trong giai đoạn II (2026–2030). Theo báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, trong 9 nhóm mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021–2025, có 6 nhóm hoàn thành và vượt kế hoạch. Nổi bật nhất là mục tiêu giảm nghèo – cốt lõi của Chương trình. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân 3,4%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra (3%). Thu nhập bình quân của người DTTS đến cuối năm 2025 dự kiến đạt 45,9 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2020.
Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện rõ rệt: 57,8% lao động DTTS trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp (vượt mục tiêu 50%). Đồng thời, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn; dịch bệnh từng bước được kiểm soát tại các vùng sâu, vùng xa. Chương trình cũng ghi dấu bằng những con số ấn tượng với hơn 42.500 hộ được hỗ trợ nhà ở, trên 10.500 hộ có đất ở, 13.387 hộ được cấp đất sản xuất. Có 18.145 lượt hộ vay vốn chuyển đổi nghề. Khoán bảo vệ 1,47 triệu ha rừng, tạo sinh kế cho 323.000 hộ. Gần 2.500 mô hình sản xuất cộng đồng và 403 dự án liên kết chuỗi giá trị được triển khai. Có hơn 6.000 công trình giao thông nông thôn, hàng trăm công trình điện và gần 1.800 nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây mới, nâng cấp.
Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, hơn 1.000 cơ sở giáo dục được hỗ trợ thiết bị, 4.700 lớp xóa mù chữ mở ra, 115.000 người học nghề, gần 38.000 lao động được tư vấn, đưa đi làm việc ở nước ngoài. Về văn hóa – y tế, nhiều giá trị truyền thống được bảo tồn; 52 trung tâm y tế huyện và 471 trạm y tế xã được nâng cấp, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hiện đại.
Tuy nhiên, vẫn còn 3 nhóm mục tiêu chưa đạt như kỳ vọng, gồm: hoàn thiện hạ tầng thiết yếu; tỷ lệ xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn còn thấp; tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và bất cập trong công tác định canh, định cư vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Để đạt được mục tiêu trong giai đoạn II (2026–2030), Chương trình sẽ triển khai đồng bộ theo 5 trụ cột chiến lược: Phát triển hạ tầng đồng bộ, ưu tiên giao thông, điện, nước sạch, y tế, giáo dục, hạ tầng du lịch, gắn với quốc phòng – an ninh. Phát triển sinh kế bền vững, nâng cao năng suất, đa dạng mô hình, thúc đẩy sản phẩm OCOP và chuỗi giá trị. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nghề; chú trọng cán bộ người DTTS, nhất là phụ nữ và thanh niên. Hỗ trợ DTTS rất ít người; thực hiện chính sách đặc thù để thu hẹp khoảng cách phát triển. Truyền thông, giám sát và chuyển đổi số, tăng minh bạch, hiệu quả quản lý, ứng dụng công nghệ trong triển khai.
Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG DTTS&MN theo tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 920/QĐ-TTg ngày 14/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với việc tổ chức tổng kết toàn diện giai đoạn I (2021–2025), Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến giám sát của Quốc hội, cử tri và các cơ quan liên quan, từ đó xây dựng, đề xuất các nội dung và cơ chế thực hiện Chương trình giai đoạn II.
https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=702&itemid=14281
https://dantoc.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-giai-doan-2021-2030-171591104.htm