Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ bán vũ khí trị giá 10 tỷ USD cho NATO, như một phần của kế hoạch tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ông Trump cũng đưa ra tối hậu thư cho Nga, yêu cầu ngừng bắn trong vòng 50 ngày nếu không muốn đối mặt với các lệnh trừng phạt và thuế quan nặng nề. Động thái này có thể làm xoay chuyển cục diện chiến sự Ukraine.

Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ tăng mạnh nguồn cung vũ khí cho các đồng minh châu Âu và các nước này sẽ chuyển số vũ khí đó tới Ukraine. Một nguồn tin am hiểu kế hoạch nói với Axios rằng Mỹ sẽ bán khoảng 10 tỷ USD vũ khí cho các nước đồng minh NATO trong đợt đầu tiên. Các loại khí tài sau đó sẽ được chuyển đến Ukraine, bao gồm tên lửa, vũ khí phòng không và đạn pháo.

Ông Trump cũng đưa ra tối hậu thư cho Nga, rằng nếu không đạt được thỏa thuận trong vòng 50 ngày, Moscow sẽ đối mặt với mức ‘thuế thứ cấp’ 100%, dường như ám chỉ kế hoạch áp thuế lên các nước như Trung Quốc và Ấn Độ – những quốc gia mua dầu của Nga. Động thái này có thể tác động lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu.

Một quan chức Nhà Trắng nói với Axios rằng Nga phải đồng ý ngừng bắn trong vòng 50 ngày nếu muốn tránh các lệnh trừng phạt và thuế quan nặng nề. Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết nhiều chi tiết vẫn đang được hoàn thiện, trong khi giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi trước lời đe dọa áp thuế lớn của ông Trump đối với các đối tác thương mại của Nga.
Với kim ngạch thương mại song phương gần 250 tỷ USD mỗi năm, bao gồm cả việc nhập khẩu số lượng lớn dầu mỏ, mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đặt ông Trump trước nguy cơ đối đầu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nếu thực sự thực thi lời đe dọa này. Các nhà phân tích cho rằng khó có khả năng ông Trump sẽ mạo hiểm đối đầu với Trung Quốc chỉ vì Ukraine – một quốc gia mà ông từng tuyên bố không giữ vai trò thiết yếu đối với lợi ích của Mỹ.
Ông Trump cũng được biết tới với những lần đưa ra các thời hạn nhưng không thực sự thực thi chúng. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu ông có hành động nếu thời hạn 50 ngày trôi qua mà không có thay đổi nào từ phía Nga?
Dù vậy, phát biểu của ông đã được đón nhận tích cực tại Ukraine và những người ủng hộ Kiev tại Washington khi mà họ từng lo ngại rằng ông Trump có thể sẽ từ bỏ sự ủng hộ dành cho Ukraine. Tuy nhiên, sau nhiều năm cố gắng xây dựng quan hệ thân thiết với ông Putin, ông Trump giờ đây lại xem nhà lãnh đạo Nga là rào cản lớn nhất cản trở cam kết của mình nhằm ‘nhanh chóng chấm dứt xung đột’.
Kế hoạch do các lãnh đạo NATO khởi xụng và được ông Trump thông qua tuần trước cho thấy cách mà Tổng thư ký NATO Mark Rutte và các quan chức châu Âu đã giải được ‘mật mã Trump’ để hợp tác hiệu quả với Tổng thống Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump nhiều lần chỉ trích NATO, thậm chí từng đe dọa rút Mỹ khỏi liên minh quân sự này.
Ông Trump cũng hài lòng sau khi Ukraine đồng ý ký một thỏa thuận hồi tháng 4 về việc chia sẻ tài nguyên khoáng sản với Mỹ. Ngày 14/7, ông thậm chí đã công khai ca ngợi lòng dũng cảm của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Tương tự thỏa thuận khoáng sản, kế hoạch mà ông Trump công bố hôm 14/7 phù hợp với tính cách thiên về giao dịch của ông khi cho phép Mỹ thu lợi từ việc bán vũ khí cho châu Âu. Đồng thời, kế hoạch cũng giúp ông tránh bị chỉ trích là thay đổi lập trường và tiếp tục ‘ném tiền’ vào cuộc giao tranh, điều mà ông từng công kích chính quyền ông Biden trong quá khứ.
‘Lượng thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD sẽ được mua từ Mỹ. Chúng sẽ được chuyển nhanh chóng ra chiến trường’, ông Trump nói, đồng thời cho biết một phần viện trợ mới có thể tới Ukraine ‘trong vòng vài ngày’.
Viện trợ này sẽ bao gồm thêm các hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất. Ông Trump cũng tiết lộ có ‘một vài quốc gia’ sở hữu hệ thống Patriot sẵn sàng viện trợ cho Ukraine và sẽ mua lại một số hệ thống mới từ Mỹ.
Tuy nhiên, lời đe dọa áp ‘thuế thứ cấp’ lên các quốc gia khác có quan hệ thương mại với Nga có thể gây tác động lớn hơn, đặc biệt đối với ngành năng lượng – huyết mạch của nền kinh tế Nga. Dù chịu nhiều lệnh trừng phạt, Nga vẫn trụ vững nhờ xuất khẩu dầu khí sang các nước không thuộc nhóm áp đặt trừng phạt.
Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc và Ấn Độ là hai mắt xích then chốt. Trong khi Ấn Độ, hiện nhập khoảng 40% dầu từ Nga, có thể giảm dần tỷ lệ này (trước năm 2022 chỉ là 1%), thì với Trung Quốc, tình hình phức tạp hơn. Nga là đối tác thương mại quan trọng của Bắc Kinh và trước năm 2022, Moscow đã chiếm hơn 15% nhập khẩu dầu mỏ của Bắc Kinh.
Trong khi đó, chiến sự ở Ukraine tiếp tục leo thang. Cam kết viện trợ mới của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh Nga đang triển khai một chiến dịch tấn công trên bộ chậm mà chắc ở miền Đông, đồng thời tiến hành các cuộc tập kích UAV và tên lửa hầu như mỗi đêm trên khắp lãnh thổ Ukraine.