Chính phủ Mỹ vừa cấp phép cho Malaysia mua hàng chục chiếc máy bay chiến đấu F/A-18C/D Hornet đã qua sử dụng từ Kuwait, một động thái được cho là sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực không quân của quốc gia Đông Nam Á này, đặc biệt là trong khu vực Biển Đông.

Thông tin trên đã được Đại tướng Tan Sri Asghar Khan Goriman Khan, Tổng tư lệnh Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF), xác nhận trong một cuộc họp báo diễn ra vào ngày 17/6 vừa qua. Ông cho biết thỏa thuận mua bán máy bay đã được chấp thuận và dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay.

Abduld Rahman Yaacob, một nhà nghiên cứu tại chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy (Australia), nhận định rằng việc mua máy bay chiến đấu sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực phòng không của Malaysia. “Điều này rất quan trọng ở Đông Malaysia, nơi các mỏ năng lượng của Malaysia nằm ở Biển Đông, gần Sarawak”, Rahman cho biết.

Nếu được triển khai ở Đông Malaysia, những chiếc Hornet sẽ là sự bổ sung cho các cơ sở hải quân mới được xây dựng ở Sarawak và thể hiện nỗ lực của Kuala Lumpur trong việc tăng cường khả năng răn đe tại một khu vực vốn chứng kiến hoạt động ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Năm ngoái, Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) đã bắt đầu tăng cường năng lực giám sát trên không ở Đông Malaysia bằng cách triển khai radar AN/TP77 do Mỹ cung cấp và radar GM400A của Pháp. Các radar tầm xa này cho phép Malaysia giám sát không phận trên vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông.
Rahman cho biết Washington cũng dự kiến sẽ hỗ trợ để đảm bảo máy bay đến từ Kuwait được cập nhật và truy cập dữ liệu về hàng hải của Malaysia. “Những dự án này phản ánh mối quan hệ đối tác quốc phòng chặt chẽ giữa Mỹ và Malaysia, vốn thường được giữ kín. Nó cũng phản ánh chính sách của chính phủ Malaysia trong việc tích cực hợp tác với Trung Quốc trong khi âm thầm xây dựng năng lực phòng thủ của Malaysia”, Rahman nói thêm.
Kuala Lumpur đã phản đối vụ việc máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc bị cáo buộc bay vào không phận Malaysia trên Biển Đông vào tháng 5/2021. Sự kiện này đã khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia trở nên căng thẳng.
Oh Ei Sun, cố vấn chính tại Trung tâm Nghiên cứu Thái Bình Dương của Malaysia, cho rằng việc nâng cấp về số lượng và công nghệ là cần thiết vì RMAF phải tuần tra vùng lãnh thổ rộng lớn trên đất liền và trên biển. “[Điều này bao gồm] không chỉ ở Biển Đông, mà còn cả Biển Sulu và Eo biển Malacca”, Oh nói.
Chuyên gia Oh cho biết việc Malaysia mua máy bay đã qua sử dụng thay vì máy bay mới chủ yếu là do hạn chế về tài chính, mặc dù chi phí bảo trì cũng có thể là một mối lo ngại trong tương lai.