Iran tuyên bố sẽ tái thiết quân đội, tăng ngân sách quốc phòng và tìm kiếm vũ khí hiện đại để chuẩn bị cho “cuộc chiến 10 năm” sau xung đột với Mỹ và Israel. Chuẩn tướng Mohammad Reza Ashtiani, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Iran, khẳng định Tehran đã chuẩn bị đủ nguồn lực để duy trì chiến sự dài hạn nếu cần thiết.

“Chúng tôi có đủ nguồn cung để chiến đấu trong 10 năm nếu tình hình đòi hỏi”, ông Ashtiani phát biểu trên truyền hình nhà nước ngày 14/7. Ông nhấn mạnh yếu tố then chốt trong các cuộc đối đầu không chỉ là vũ khí, mà còn là tinh thần chiến đấu. Iran gần như không bị tổn thất về trang bị trong đợt giao tranh hồi tháng 6.
Tehran cũng coi giai đoạn hậu xung đột là thời điểm để thể hiện khả năng chịu đựng chiến lược, đồng thời khẳng định nước này đã sẵn sàng cho các kịch bản đối đầu kéo dài. Dự luật tăng cường năng lực quân đội và nâng mức chi tiêu quốc phòng đã được thông qua, nhận được sự ủng hộ của 120 nghị sĩ và nhiều khả năng sẽ được thông qua trong kỳ họp tới.
Dự luật này sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách quốc phòng của Iran, kết hợp động lực hậu xung đột với nền tảng thể chế và ngân sách được hậu thuẫn mạnh mẽ. Từ tháng 10/2024, Iran đã thông báo tăng ngân sách quốc phòng lên tới 200%, nâng tổng chi tiêu quốc phòng dự kiến cho năm 2025 lên 46 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay.
Iran cũng tăng cường hợp tác với Nga và tìm kiếm công nghệ phương Tây để hiện đại hóa quân đội. Một báo cáo của Reuters hồi tháng 1/2025 tiết lộ Iran đã mua một số lượng chưa xác định tiêm kích Su-35 do Nga sản xuất. Iran cũng đang tìm cách mua công nghệ tên lửa từ châu Âu.
Hoạt động mua sắm thiết bị liên quan tới chương trình tên lửa của Iran tại Đức vẫn ở mức cao và đang tăng lên. Các nỗ lực này không phải không có kết quả, UAV tự sát do Iran sản xuất, được Nga sử dụng tại Ukraine, chứa hơn 50 linh kiện điện tử có xuất xứ phương Tây, được nhập khẩu qua các nước trung gian.
Một trong những sự kiện được cho là có tác động lớn đến thay đổi chiến lược của Iran là vụ không kích nhằm vào cơ sở ngầm bí mật tại Tehran hôm 16/6, vụ việc mà truyền thông nhà nước Iran mô tả là “âm mưu ám sát Tổng thống”. Tổng thống Masoud Pezeshkian được cho là bị thương trong lúc thoát ra ngoài qua một hầm khẩn cấp.
Thông tin chưa được các nguồn độc lập xác nhận và phía Israel không đưa ra bình luận. Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, ông Pezeshkian tiết lộ: “Israel đã cố gắng ám sát tôi trong cuộc chiến đó”.
Vụ việc, nếu được xác thực, không chỉ cho thấy mức độ leo thang của xung đột Israel – Iran mà còn là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự đồng thuận trong bộ máy chính trị Tehran đối với các biện pháp tăng cường phòng thủ, cả về ngân sách lẫn thể chế.
Sự kết hợp giữa các phát biểu cứng rắn, động thái lập pháp và tăng ngân sách quốc phòng cho thấy Iran đang tái cấu trúc toàn diện chiến lược an ninh quốc gia theo hướng “chiến tranh bền vững”. Trong học thuyết mới, Iran đặt trọng tâm vào khả năng tự lực, huy động kinh tế trong nước và hợp tác chiến lược với các đối tác như Nga để bù đắp cho sự cô lập quốc tế.