Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ giao thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp và biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Hà Nội hiện có hơn 6,9 triệu xe máy, phần lớn chạy xăng, góp phần đáng kể vào ô nhiễm không khí trên địa bàn. Chỉ thị 20, với lộ trình như nêu trên là nỗ lực đưa Hà Nội bắt kịp xu thế đô thị bền vững. Tuy nhiên, kế hoạch này không mới. Từ năm 2017, Hà Nội đã thông qua Đề án hạn chế xe máy đến năm 2030, thế nhưng tiến độ ì ạch: giao thông công cộng chỉ đáp ứng 20% nhu cầu, trạm sạc xe điện còn lác đác (khoảng 200 điểm), và kiểm soát khí thải xe máy gần như chưa làm.
Người dân rất quan tâm đến lộ trình này là điều dễ hiểu. Xe buýt điện hay tàu điện Cát Linh – Hà Đông chưa đủ sức thay thế xe máy – “người bạn” len lỏi mọi ngõ ngách, hợp với lối sống Hà Nội. Xe điện thì đắt, 30-50 triệu đồng/chiếc, trong khi trạm sạc còn hiếm. Chính sách ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường là cần thiết, nhưng nhiều bài toán cần lời giải cụ thể để tạo sự đồng thuận.
Nhìn ra thế giới, nhiều nơi đã biến chính sách xanh thành câu chuyện của dân chúng. London (Vương quốc Anh) áp dụng “khu vực phát thải thấp” (ULEZ) từ năm 2019, thu phí xe xăng, trợ giá xe điện, và mở rộng xe buýt điện, giúp giảm 20% khí thải giao thông sau ba năm. Hà Nội cần tham khảo kinh nghiệm, nhưng phải sáng tạo để chính sách thành câu chuyện của người dân.
Trước hết, phải “chạy nước rút” xây hạ tầng: tăng xe buýt điện, hoàn thiện tàu điện Nhổn – Ga Hà Nội, mở rộng trạm sạc lên 1.000 điểm trước 2026. Thứ hai, chính quyền nên tính toán có hỗ trợ tài chính thiết thực, ví dụ trợ giá 30-50% xe điện, trả góp 0% lãi suất, thu mua xe máy cũ để giảm gánh nặng.
Nhưng mấu chốt là truyền thông phải khiến người dân thấy mình là nhân vật chính. Thành phố có thể tổ chức “Ngày xe điện Hà Nội”, cho dân thử xe miễn phí, cá nhân hóa xe bằng sticker (nhãn dán), màu sắc để thu hút giới trẻ. Tuyển “đại sứ xanh” từ shipper, sinh viên, tiểu thương, để họ chia sẻ trải nghiệm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Chuyển đổi xanh không chỉ là thay xe, mà là thay đổi tư duy. Hà Nội có tiềm năng lớn, với ngân sách mạnh và sự ủng hộ từ trung ương. Nhưng cần đưa chỉ thị 20 trở thành câu chuyện của mỗi người dân.